báo lá cải online -
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

ĐỢI CỖ - Phạm Trung Tuyến

Go down

ĐỢI CỖ - Phạm Trung Tuyến Empty ĐỢI CỖ - Phạm Trung Tuyến

Bài gửi by khanhpt Sat Dec 01, 2012 9:33 pm

Ông ngoại đi ăn cỗ. Ngày ấy, khi tôi còn là một chú bé tám tuổi, điều đó đặc biệt lắm. Nếu như may mắn, tôi sẽ được ông ngoại dắt theo. Từ làng tôi xuống đó, gần 7 cây số. Con đường thật dài với đôi chân của tôi, và chắc là của cả ông tôi nữa. Thế nhưng, điều đó không đủ làm tụt cảm xúc của tôi về bữa cỗ hiếm hoi đó.

Ngày ấy, ở quê tôi người ta không hay tiệc tùng như bây giờ. Đất thuần nông, cuộc sống trông cả vào hai vụ lúa. Thịt thà chẳng mấy khi ăn. Trẻ con nghe nói đến cỗ là nôn nao cả ngày. Cỗ cũng chẳng có gì, trên chục mâm cơm mời họ mạc. Gia chủ giết một con lợn chủ định nuôi để thịt từ hàng 3 -4 tháng trước. Ông ngoại tôi trưởng họ nên một năm cũng vài ba lần làm cỗ. Những lần thi thoảng đó, mảnh sân gạch nhà tôi tưng bừng như hội suốt từ ngày hôm trước. Lão Nhương sứt, ông lão sứt môi vai ngang tay dài múa con dao bầu loang loáng dưới nhà ngang. Người đàn ông này là chuyên gia làm cỗ của làng tôi. Mặc dù cả hai vợ chồng cùng sứt môi nhưng 8 đứa con của lão đều to cao lừng lững vì được ăn nhiều thịt nhất làng. Lão làm thịt con lợn thật điệu nghệ, chỉ 4 nhát dao, con lợn 40kg đã bị xẻ toang làm 4 mảnh đều tăm tắp. Tôi đã từng chứng kiến lão kiếm được cả một cái sỏ lợn nhờ tài chặt thịt của mình. Lần ấy, ông tôi và mấy ông bạn tổ tôm ăn đụng con lợn ốm nhà bà giáo Miên. Đám tổ tôm 5 người, việc chia thịt lại phải nhờ lão Nhương. Như thường lệ, các cụ chưa chia xong bài thì lão đã chia thịt thành 5 phần bằng nhau. Đang dở ván, một cụ ngoái ra bảo, “Anh Nhương, chia cẩn thận, không đều thì liệu hồn.” Tự ái nghề nghiệp nổi lên, lão Nhương xách dao vào, cúi đầu cung kính: “lạy cụ, Nhương sứt này chém một nhát, bảo một cân là một cân, hai cân đúng hai cân.” Cụ nọ cười: “Anh đừng nói khoác, nếu làm được tôi cho anh cái sỏ, không làm được thì hôm nay không có công đâu.” Lão Nhương không nói gì, chỉ vành môi sứt là cứ giật mãi không thôi. Lão xuống nhà ngang xách lên một đùi lợn. “Cụ muốn cắt bao nhiêu?” Ông nọ bảo,:” Cân mốt!” Lão Nhương nhấc nhấc cái đùi lợn như để ước lượng rồi tung lên mặt bàn đá. Cái đùi lợn vừa kịp chạm mặt bạn thì con dao của lão cũng bập tới. Bà giáo Miên nhặt miếng thịt lên cân. Và lão Nhương điềm nhiên xách cái sỏ lợn ra về trong sự ngơ ngác của mấy cụ trưởng. Lão Nhương trong mắt đám trẻ con chúng tôi khi ấy giống như một hiệp khách. Nhưng thôi, tôi sẽ kể chuyện lão Nhương vào một dịp khác, bây giờ điều tôi muốn nói đến là những bữa cỗ.

Bữa cỗ hôm ấy ông ngoại không cho tôi đi theo vì đường xa mà trời quá nắng. Ông tôi đi từ sớm, diện áo the, mái tóc trắng búi gọn trên đỉnh đầu, nếu có thêm cái phất trần thì trông chẳng khác gì một tiên ông. Tiếc rằng tiểu đồng tôi lại phải ở nhà. Nhưng không sao, tôi biết, dù không được theo nhưng thế nào ông tôi cũng lấy phần. Có khi, ở nhà, tôi còn được nhiều hơn là đi đến đám cỗ. Quê tôi, nhà có đám là vườn chuối xác xơ. Mâm cỗ tàn có khi các đĩa vẫn còn nguyên vì mọi người đều có ý thức dành phần mang về cho con cháu. Gia chủ cũng ý thức được điều đó vì khi dọn mâm thì đồng thời cũng cho người ra vườn cắt lá chuối để khách gói phần. Vì vậy, mâm cỗ đến cuối cũng chỉ có những món nước như miến, hay canh bóng là được chiếu cố đến. Khi về người nào người đấy cũng một gói kè kè. Bây giờ nhắc lại cảnh ấy, đôi khi tôi cũng thấy buồn cười. Nhưng khi đó, gói cỗ nhỏ ông tôi mang về là cả niềm vui lớn không chỉ cho tôi, mà cũng là niềm vui của ông.

Buổi chiều hôm đó, tôi ra tận cổng làng đón ông. Trong lòng dâng lên nỗi nhớ mong có rất nhiều dục vọng. Có lẽ ngay cả khi vẻ mặt tham lam của tôi không giấu được thì cũng chẳng khiến ông phải buồn. Tôi còn nhớ lắm gương mặt ông khi nhìn tôi sung sướng cắn ngập răng vào miếng thịt mỡ dày. Bây giờ nhớ lại, tôi nghĩ rằng niềm sung sướng của tôi không hẳn có được do vị ngọt của thịt mỡ, mà chắc chắn đó là do tôi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của ông. Khi đó, gương mặt ông không còn nghiêm nghị như khi bắt tôi học thơ Đường.
Bây giờ, tôi không còn thèm khát những bữa cỗ, thịt thà bây giờ ngày nào cũng có. Nhưng có lẽ không bao giờ tôi còn được ăn một bữa cỗ tuyệt vời như hồi lên tám tuổi. Hình như lũ trẻ quê tôi giờ cũng chẳng còn được như thế vì bây giờ ở quê tôi đi ăn cỗ chẳng còn ai gói phần.
khanhpt
khanhpt
Admin

Tổng số bài gửi : 435
Reputation : 0
Join date : 30/09/2009
Age : 40
Đến từ : Phú Thọ

https://lacaionline.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết