báo lá cải online -
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Mẹ Teresa - Người mẹ mang trái tim nhân hậu

Go down

Mẹ Teresa - Người mẹ mang trái tim nhân hậu Empty Mẹ Teresa - Người mẹ mang trái tim nhân hậu

Bài gửi by khanhpt Mon Nov 09, 2009 11:01 pm

“Thiên Thần của lòng nhân ái” hay “Thiên Thần của những mảnh đời tối tăm, bất hạnh”... Đó là mỹ từ của giới truyền thông quốc tế hay nhắc đến, để vinh danh một phụ nữ gốc Albany, mà cả thế giới kính yêu: Mother Teresa Calcutta.

Ngày 27.8.1910, bé gái Agnes Gonxha Bojaxhiu cất tiếng khóc chào đời tại Skopje, Yugoslavia (nay là Macedonia), trong một gia đình tiểu thương Albanian. Thời thơ ấu, Agnes được mô tả là một cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn, hiền lành ít nói và hay e thẹn, nhưng đặc biệt là có lòng nhân từ, cô thường lắng nghe người lớn kể chuyện về những mảnh đời bất hạnh, những cuộc sống tối tăm nghèo khổ. Bao giờ cũng vậy, sau khi câu chuyện chấm dứt, đôi mắt cô hướng về một chốn xa xôi nào đó và sáng lên một niềm tin.

Năm 12 tuổi Agnes đã tham dự vào các cuộc cứu trợ nhân đạo, cũng vào thời gian này, cô thường tìm hiểu về hoạt động của các giáo hội Thiên Chúa ở hải ngoại. Có những bài báo của dòng tu Jesuit tại Bengal Ấn Độ, nói về cuộc sống của người dân ở đây, khiến Agnes có ước muốn sẽ tìm được một việc làm thích hợp nào đó, để có thể giúp ích cho người dân ở đất nước nghèo nàn và lạc hậu này.

Năm 1928, khi vừa tròn 18 tuổi, Agnes tình nguyện gia nhập vào cộng đồng các nữ tu Ịrish (Ái Nhĩ Lan) tại Calcutta Ấn Độ, để rồi trở thành Ma Soeur Teresa. Nữ tu Teresa được đề cử làm giáo viên môn lịch sử và địa lý tại trường nữ trung học St. Mary ở thành phố Calcutta, tận tâm với nghiệp vụ, hết lòng thương yêu học sinh và chỉ vài năm sau được đề bạt lên hiệu trưởng. Cuộc sống giản dị, tính nết hòa ái, tại nữ trung học St. Mary, Seour Teresa đã được đồng nghiệp cũng như học sinh tin yêu và kính phục, nhiều phụ nữ Ấn Độ thành danh, đã xuất thân từ trường này.

Thời gian đầu ở Ấn Độ, chỉ chuyên chú vào việc tu tập và dạy học, Seour vẫn thấy có một điều gì đó mãi trăn trở, chưa thực sự yên tâm. Sau lần đi an dưỡng ở vùng ngoại ô và trong một chuyến xe lửa khứ hồi từ Darjeeng về Calcutta, Seour Theresa nghe như có tiếng gọi thiêng liêng của ơn trên: “Hãy thay đổi cuộc sống, hãy đem tình thương đến các khu nhà ổ chuột, ở đó có những người nghèo nhất trong các người nghèo, hãy an ủi cứu giúp những mảnh đời bất hạnh...”. Đó là quãng thời gian vào năm 1946.
Trở lại Calcutta, Seour Teresa đã xin từ chức hiệu trưởng trung học St. Mary, để theo học một khoá ngắn hạn về y khoa phòng ngừa. Mãn khoá học, Seour đi vận động các nhà Mạnh Thường Quân người nước ngoài, các nữ sinh Ấn Độ có lòng từ ái, đến những khu nhà ổ chuột ở Calcutta mở lớp học tình thương cho con em những gia đình nghèo khó, danh xưng Mother Teresa được con trẻ trong các khu nhà ổ chuột nhắc đến như một sựï kính yêu đặc biệt.
Mẹ Teresa - Người mẹ mang trái tim nhân hậu Teresacalcutta
Chân dung mẹ Teresa

Khi có thì giờ, thường đi tìm hiểu các sinh hoạt của người dân Calcutta ngoài đường phố, Seour đã không cầm được nước mắt, khi chứng kiến, những người lang thang đói rách, những người già yếu bệnh tật vô gia cư, những người bị bệnh phong, với vết thương lở lói, nằm lê lết dưới cống rãnh lầy lội hôi hám, nhiều và rất nhiều... Có những người hấp hối, trút hơi thở cuối cùng, trong những vũng sình lầy, chờ xe xúc rác đem đi vùi dập ở một nơi nào đó. Nhưng tuyệt nhiên, xã hội vẫn ngoảnh mặt làm ngơ, những kẻ giàu có vẫn nhởn nhơ hưởng thụ (nên nhớ một điều là, xã hội Ấn Độ thời gian đó, có sự phân biệt giai cấp và chủng tộc rất nghiệt ngã, người thuộc giai cấp bần cùng, bị xã hội xa lánh, khinh rẻ, ngay cả các bệnh viện cũng từ chối không nhận chữa trị cho người bệnh thuộc giai cấp thấp), có lần Seour Teresa thấy một phụ nữ Ấn Độ, nằm hấp hối đưới đường mương, dòi bọ lúc nhúc và những con chuột đang gậm nhấm bàn tay của người đó, hãi hùng quá, Seour kêu gọi sự thương xót của người đi đường, nhưng không một ai tiếp tay, có vài người nói rằng: biết phải đem người bị nạn này đi đâu, không có bệnh viện nào chấp nhận, thậm chí cũng không có cả nhà xác cho giai cấp bần cùng.
Mẹ Teresa - Người mẹ mang trái tim nhân hậu 56851257782042
Mẹ và trẻ em nghèo tại ngoại ô La Habana

Từ những điều bất công đến tàn nhẫn của xã hội này, khiến Seour Tereasa đã nhiều đêm mất ngủ, làm sao đây khi chỉ có một mình, dù cố gắng cách mấy cũng không thể nào, xoa dịu bớt nỗi đau của giai cấp nghèo khổ. Cuối cùng bà đi đến quyết định, xin phép tòa thánh Vatican cho thành lập dòng nữ tu tại Calcutta, chỉ có cách này, mới tập hợp được những phụ nữ có lòng thương người, chỉ có cách này mới có thể gõ cửa những người hằng tâm hằng sản, để tiếp tay với bà làm việc nghĩa, và dòng nữ tu Bác Ái (the Missionaries of Charity) đã được hình thành, ban đầu chỉ với 12 người, trong số đó có vài người là học trò cũ của nữ trung học St. Mary.

Từng bước, từng bước, bà có ước mơ, làm sao để xây dựng nhiều cơ sở vật chất cứu giúp giai cấp nghèo khó khốn cùng. Bà nghĩ đến sự chết của con người, đó là quy luật tất nhiên, không ai tránh khỏi, nhưng con người lúc lâm chung, không thể nào giống cái chết của một con vật, tiếc thay xã hội Ấn Độ thời đó đã không nghĩ như thế.
Mẹ Teresa - Người mẹ mang trái tim nhân hậu 95901257782042
Mẹ Teresa và giáo hoàng John Paul II

Bà đã vận đông quyên góp, để lập nên căn nhà dành cho người hấp hối vô gia cư, cô độc không thân nhân, bị xã hội ruồng bỏ, ngôi nhà đó được gọi bằng tên Ấn Độ là: “Nirmal Hriday” có nghĩa: Trái tim trong sáng. Tất cả những người vô gia cư, những người già nua thuộc giai cấp bần cùng, nằm vật vã chờ chết, trên các vỉa hè, hoặc run rẩy trong các cống rãnh, ngoài đường phố Calcutta. Đích thân bà Teresa cùng các nữ tu, dìu dắt họ về Nirmal Hriday, tại đây họ được tắm rửa, băng bó các vết thương, được cho ăn, và được an ủi bằng những lời dịu ngọt, các Ma Seour nói rằng: “Bạn hãy vui lên, nếu bạn có mệnh hệ nào, thì sẽ được chôn cất tử tế, với các lễ nghi dành cho người quá vãng”. Họ cảm nhận rằng, họ không còn sống được bao lâu nữa, nhưng trên môi họ đã mỉm nụ cười, vì được chết như một con người, chứ không bị vùi dập như loài chuột bọ.



Mother Teresa chưa bao giờ ngơi nghỉ, không bao giờ biết ăn ngon mặc đẹp

Từ buổi ban đầu thành lập dòng nữ tu Bác Ái (với 12 người), đến thời điểm 1979 đã có bốn ngàn Ma Seour, đem bàn tay nhân ái đến khắp nơi trên thế giới, các nữ tu đã đến phục vụ tại các nhà nuôi trẻ mồ côi, các trung tâm điều trị và an dưỡng dành cho người bị bệnh phong (Leper), các viện dưỡng lão, các trường dạy trẻ em khuyết tật, các trại tị nạn chiến tranh.

Là mẹ bề trên của một dòng tu, hiện diện trên một trăm quốc gia, nhưng Mother Teresa chưa bao giờ ngơi nghỉ, không bao giờ biết ăn ngon mặc đẹp, không bao giờ sử dụng các tiên nghi xa xỉ dành cho giới giàu có quý tộc. Sống đời đơn sơ đạm bạc, trang phục của bà là bộ sari trắng của phụ nữ Ấn Độ, được may bằng loại vải thô rẻ tiền, trị giá không quá một đô-la Mỹ. Lòng nhân ái của bà, đời sống thanh bạch đạo đức của bà, khiến cho hầu hết các vị nguyên thủ các quốc gia kính phục.
Mẹ Teresa - Người mẹ mang trái tim nhân hậu 89841257782043
2 người phụ nữ có tấm lòng nhân ái nổi tiếng - Mẹ Teresa và công nương Diana

Năm 1972, tổng thống Ấn Độ vinh danh bà là “Thiên Thần của lòng nhân ái”. Bà đi khắp các châu lục, không phải là để nghỉ ngơi du lịch, mà là để kêu gọi tình thương yêu của mọi người đến với những mảnh đời bất hạnh, đói nghèo.

Năm 1977 bà được đại học Cambridge (England) trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự. Năm 1979, được trao tặng giải Nobel hòa bình, khi đến Thuy Điển nhận giải, bà được chào đón như một quốc khách, lời nói đầu tiên của bà là: “Cuộc đời tôi gắn liền với những người đói nghèo, với những cảnh đời tăm tối, cám ơn quý vị đã cho phép tôi có mặt ở đây, nhưng không phải cá nhân tôi đến đây nhận giải thưởng Nobel hòa bình, mà tôi đại diện cho những người nghèo khổ nhất, những người thiếu vắng tình thương, những người bị ruồng rẫy, bỏ quên, ai cũng coi họ như một gánh nặng cho xã hội, xin quý vị hãy giúp cho thế giới được công bằng hơn, được an bình hơn...”.

Năm 1983, bà được mời sang thăm viếng tòa thánh Vatican, Đức Giáo Hoàng John Paul II tặng bà chiếc xe hơi đời mới tuyệt đẹp, lập tức bà đem bán đấu giá chiếc xe, lấy tiền xây dựng nhà an dưỡng cho người bị bệnh phong, tại West Bengal India. Năm 1985, khi sang thăm viếng nước Mỹ, bà được chính phủ Hoa Kỳ trao tặng The Medal of Freedom (huân chương cao quý nhất của Hoa Kỳ), Tổng Thống và quốc hội Hoa Kỳ, định mở đại tiệc để chiêu đãi, biết được tin đó, bà đã gọi điện thoại cho người trưởng ban lễ tân White House, xin từ chối, lấy lý do là không được khỏe và vì vội vã đã quên không đem theo lễ phục dành cho đại yến, sau đó bà yêu cầu chính phủ và quốc hội Hoa Kỳ, cho bà xin lại số tiền của bữa tiệc đó, để bà xây nhà an dưỡng cho người bị bệnh AIDS tại một quốc gia ở Châu Phi.
Mẹ Teresa - Người mẹ mang trái tim nhân hậu Mother-teresa-calcutta

Mother Teresa Calcutta, đã hiến dâng cả đời mình vì những người nghèo khổ, vì những người vô gia cư, những trẻ mồ côi, những người già nua, bệnh tật cô đơn, bị xã hội ruồng bỏ.

Ngày 05.9.1997, bà đã trút hơi thở cuối cùng tại Ấn Độ, nơi mà bà thành lập dòng nữ tu Bác Ái đầu tiên, hưởng thọ 87 tuổi. Cả thế giới xúc động, tiếc thương. Tổng thống nước Pháp Jacques Chirac, đang họp nội các, đã dành một phút im lặng để mặc niệm, và ông phát biểu: “Chiều nay, chúng ta thấy như thiếu vắng một tình thương, thiếu vắng những lời an ủi vỗ về và cả thế giới như đang chìm trong bóng tối...”
khanhpt
khanhpt
Admin

Tổng số bài gửi : 435
Reputation : 0
Join date : 30/09/2009
Age : 40
Đến từ : Phú Thọ

https://lacaionline.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết