báo lá cải online -
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

HỒI ỨC HOA BAN

Go down

HỒI ỨC HOA BAN Empty HỒI ỨC HOA BAN

Bài gửi by khanhpt Tue Aug 07, 2012 8:44 pm

Cà Ương ngồi một mình với nụ cười vu vơ dưới mái hiên nhà sàn. Anh vốn không phải là người hay nghĩ ngợi. Chả thế mà người ta bảo anh là “ông lão” ngũ thập trẻ nhất thế gian này. 50 tuổi anh vẫn là đoàn viên đoàn TNCS HCM xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, giống như cô con gái Cà Thơm của mình. Cà Ương nhất định không phải người cả nghĩ, nhưng bây giờ đang là mùa hoa ban. Mùa hồi ức rưng rưng trở lại trên khắp lòng chảo Điện Biên này nên dù muốn, dù không cũng khiến Cà Ương phải trầm tư với cái tuổi 50 vừa đến với mình.

Trên núi rừng Tây bắc, hoa ban đang vào độ mãn khai, những cánh hoa trắng mong manh toả một mùi hương rất nhẹ nhưng cũng đủ khiến lòng người xao động. Mùi hương ấy, sắc trắng thuần khiết ấy không chỉ nói về một mùa hoa. Với người Thái Tây bắc, mùa ban nở còn là mùa thiêng, mùa những ký ức của một tộc người âm thầm thức tỉnh dưới “khau cút” những nếp nhà sàn. Đó là những câu chuyện đầy sắc màu huyền thoại về những con người di cư theo dòng nước để dựng nên “tứ mường”. Hôm nay Cà Ương vừa tròn 50 tuổi. Nửa thế kỷ trước, ở cái nơi anh đang sống bây giờ, bên cánh đồng Mường Thanh, một huyền thoại mới đã hình thành khiến cho mùa hoa ban ở vùng đất này trở thành mùa thiêng không chỉ với người Thái.

Cánh đồng Mường Thanh, mường lớn nhất trong “tứ mường” (Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc) cũng trở nên nhỏ bé bởi mỗi ngày có tới hàng vạn lượt du khách đổ về Điện Biên. Đường hàng không tăng lên 6 chuyến/ ngày nhưng vé luôn hết từ 2, 3 ngày trước. Các khách sạn, nhà nghỉ tận dụng hết công suất, thậm chí hàng chục bản làng quanh thành phố cũng đã trở thành điểm lưu trú của khách du lịch nhưng vấn đề phòng trọ vẫn luôn là chuyện “nóng” ở Điện Biên vào mùa này. Thành phố Điện Biên vẫn là một thành phố nghèo, khí hậu thì khó chịu. Nó không phải là một thiên đường nghỉ dưỡng khi con đường từ trung tâm thành phố ra cánh đồng Mường Thanh luôn khói bụi mù trời. Nhưng điều đó thì có làm sao khi mà vùng đất này đang sống trong những ngày thiêng liêng nhất.

Sự thiêng liêng ấy tôi đã từng thấy cách đây 3 năm, trong dịp kỉ niệm 50 năm giải phóng Điện Biên. Nó được thể hiện trong quyết tâm của chính quyền tỉnh Điện Biên nhằm tạo nên một hình ảnh thân thiện trong con mắt du khách khi quy định mức trần không quá 50 ngàn đồng cho một đêm lưu trú ở khách sạn. Tại các bản làng, giá nghỉ đêm không vượt quá 30 ngàn đồng/ người. Có những người bi quan tự hỏi: Quy định vậy nhưng liệu có thực thi? Câu hỏi này có lẽ là thừa vì nếu khách sạn nào thu quá mà bị khách phản ánh thì sẽ bị xử lý tức thì. Hơn nữa, vì một hình ảnh đẹp cho tỉnh nhà, dường như không có nhà kinh doanh nào lại muốn mình là kẻ tham vàng bỏ ngãi. Điều đó thật tuyệt vời trong thời buổi thị trường quyết định mọi thứ như hiện nay. Và người ta chỉ có thể lý giải điều đó bằng hai từ: Thiêng liêng.

Sự thiêng liêng ấy cũng thể hiện trong nụ cười hồ hởi của những người cựu chiến binh trên đường về lại chiến trường xưa. Những Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1... đã 50 năm rồi không bao giờ rời bỏ trí nhớ của họ. Đồng đội của họ đã ngã xuống nơi này, máu và mồ hôi của họ cũng đã từng thấm sâu vào đồng đất Mường Thanh. Trong số những người đã ngã xuống nơi này 50 năm trước, có người được biết đến như một anh hùng nhưng cũng có bao người lặng lẽ nằm lại, như cỏ cây, như sỏi đồi. Ông già Đỗ Xuân Lý mà tôi gặp dọc đường cũng có một người anh trai đã hi sinh ở Điện Biên ngày ấy. 50 năm sau, ông Lý đứng giữa muôn trùng cờ hoa chào mừng năm du lịch Điện Biên mà rưng rưng nước mắt như đang được chứng kiến lễ truy điệu lần thứ 2 người anh yêu quý.
Mùa thiêng ở Điện Biên đang hiển hiện khắp núi rừng hoa trắng. Trong giọng kể buồn thương đầy hoài cổ của người nông dân Thái Đen Cà Ương, trong ánh mắt rưng rưng của em trai một liệt sĩ và trong cả cử chỉ cúi đầu của những người du lịch Pháp khi ghé thăm đài tưởng niệm lính pháp chết trận ở Điện Biên. Vâng, Điện Biên không chỉ là di tích lịch sử của riêng người Việt Nam. Chiến tranh, có người thắng thì cũng có người thua. Tuy nhiên, khi chứng kiến cuộc gặp gỡ đầy cảm động của những người khách du lịch Pháp với đoàn cựu chiến binh Việt Nam trên quốc lộ 6, tôi tin rằng sự thắng thua không còn quan trọng. Quá khứ đã khép lại với mùa ban Tây Bắc, khép lại khi nữ du khách người Pháp Gienevier Ravel viết cảm tưởng của mình vào cuốn sổ lưu niệm của bảo tàng Điện Biên Phủ: “Nơi đây lịch sử được tái tạo không chỉ bởi những công trình. Tôi gặp được điều đó trong cả sự cởi mở của những người nông dân. Tôi đến đây với ước mong được sẻ chia niềm vui của mọi người”.
Có một buổi chiều cuối tháng 3 bên chân cầu Mường Thanh tôi bắt gặp ánh mắt buồn nhưng thanh thản của một người đàn ông Pháp. Anh là E-ric. Ngày 13/3/1954 trong trận đánh mở màn của chiến dịch tại cứ điểm Him Lam, người cha của E-rich đã tử trận nơi này. 50 năm qua rồi, sự đau buồn chắc cũng đã nguôi ngoai khi E-rich có thể thanh thản làm một cuộc hành trình 5 ngày bằng đường bộ từ Hà Nội để đến được nơi này. E-rich đứng một mình rất lâu bên cây cầu Mường Thanh cùng với những hoài niệm ngọt ngào về người cha đã khuất. Bên cạnh anh có một cội ban già hồn nhiên rắc những cánh hoa mỏng tang vào ánh chiều thâm thẫm tối. Hoa ban ơi, 50 năm trước, buổi chiều có yên bình như buổi chiều hôm nay?

Phạm Trung Tuyến
khanhpt
khanhpt
Admin

Tổng số bài gửi : 435
Reputation : 0
Join date : 30/09/2009
Age : 40
Đến từ : Phú Thọ

https://lacaionline.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết