báo lá cải online -
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Nguyên thứ trưởng Đặng Hùng Võ: 'Hãy để tiền là tên đầy tớ giỏi'

Go down

Nguyên thứ trưởng Đặng Hùng Võ: 'Hãy để tiền là tên đầy tớ giỏi' Empty Nguyên thứ trưởng Đặng Hùng Võ: 'Hãy để tiền là tên đầy tớ giỏi'

Bài gửi by khanhpt Thu Mar 24, 2011 9:00 am

Tiểu sử:
Giáo sư Đặng Hùng Võ, 65 tuổi, chủ nhiệm Bộ môn Địa chính, Đại học Quốc gia Hà Nội; cố vấn cao cấp cho Tổng cục Quản lý đất đai, tư vấn độc lập cho nhiều tổ chức phát triển quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường từ 2002 đến 2007.

Năm 1984, tiến sĩ tại Đại học Bách khoa Warsaw, Ba Lan. Năm 1988, tiến sĩ khoa học tại Học viện Mỏ - Luyện kim Krakow. Năm 1992, được phong Giáo sư.

Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về chính sách đất đai, kinh tế bất động sản, hạ tầng thông tin địa lý.


Giáo sư tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường trò chuyện với VnExpress quan niệm của ông về cuộc sống, khoa học, về việc làm tiền và sử dụng đồng tiền.

- Mọi người vẫn gọi ông là Thứ trưởng dị tướng? Ông có thích cách gọi này không?

- Dị tướng có nghĩa là tướng mạo bất thường, điều đó không xấu về nội dung. Người ta có gọi mình là thằng hèn hay thằng đểu mới là điều đáng sợ.

Tôi cũng tự thấy rằng mình chẳng giống ai, vậy chắc người ta gọi như thế là đúng. Hình thức là cái cha mẹ sinh ra, không nên thay đổi. Hình thức chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài, không nói gì lên nội dung cả.
- Giáo sư Võ thời còn làm quan chức khác với giáo sư Võ lúc về hưu như thế nào?

Khác nhiều chứ. Khi còn đương chức thì phải nói đúng và làm tốt những công việc được nhà nước giao. Mình có nghĩ khác cũng phải nói theo quan điểm chính thống của tổ chức, đó là kỷ luật chính trị và hành chính. Nay là một chuyên gia, mình được nói theo những gì mình nghĩ.

Từ phía khác, khi còn là Thứ trưởng có quyền thì chẳng biết người ta đến với mình vì lẽ gì. Mình có nhạt nhẽo đến mấy thì mọi người vẫn cứ đến, ngày hôm nay mình có làm dở hơn hôm qua thì người đến vẫn nhiều. Còn bây giờ là một nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia, khi thú vị thì người ta tìm đến, khi thấy dở thì người ta đi.

Như vậy, mình phải làm sao để ngày hôm nay mình phải thú vị hơn ngày hôm qua.

Về hưu tôi tiếp tục phụ trách bộ môn địa chính của trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội, dậy thêm và hướng dẫn tiến sĩ cho một vài trường. Công việc đào tạo này cũng không có gì nặng nề. Công việc chiếm nhiều thời gian hơn là làm tư vấn độc lập cho một số tổ chức quốc tế... Thời gian còn lại là chiêm nghiệm và viết sách. Khi về hưu, tôi có cảm giác thiếu thời gian hơn lúc còn làm cho Nhà nước, việc nhiều và thực nên làm không hết.

- Ông làm rất nhiều việc là do đam mê hay tài chính?

- Nhiều người nói rằng tôi phát biểu gì cũng lọt tai, tư vấn điều gì cũng thành tâm, làm việc gì cũng trách nhiệm nên thường được họ mời cộng tác. Tôi chỉ nhận hợp tác cùng làm những việc cần tới chất xám ở khu vực nghiên cứu, không làm thuê cho doanh nghiệp. Như vậy có thể thấy tôi muốn làm những việc mình thích, không có tiền cũng được, có thì cũng tốt, không làm vì tiền.

Tôi thích làm với giới báo chí vì muốn dùng kiến thức của mình để nâng cao dân trí. Tôi cũng muốn làm với các tổ chức quốc tế vì kết quả nghiên cứu của mình được quảng bá rất rộng. Tôi nghĩ chắc không phải vì háo danh, nhưng cứ thích tham gia các cuộc thi thố tri thức quốc tế. Thích để người nước khác khẳng định rằng ở Việt Nam có những người có chính kiến và biết tư duy. Thế là đủ rồi.

- Ông luôn đưa ra ý kiến trái chiều về một vấn đề nào đó. Ông không sợ “vạ miệng”?

- Tôi cho rằng quan trọng nhất là cái tâm. Mình có nói điều gì ngược lại mà tâm trong sáng thì chắc "vạ miệng" cũng không ập vào mình. Cũng biết rằng "trung ngôn" thì "nghịch nhĩ", nhưng tính từ bé đã như vậy, đi học chẳng bao giờ được thầy cô yêu, đi làm cũng chẳng được mấy thủ trưởng quý. Hôm nay có thể mọi người ghét nhưng rồi cũng đến lúc mọi người thấy mình nói đúng.

- Trong suốt thời kỳ bao cấp, ông tự nhận không nhận bất kỳ sự phân phối nào, ngay cả ở cương vị thứ trưởng. Không lẽ ông chưa từng nhận quà biếu của doanh nghiệp, cá nhân?

- Trong thời kỳ bao cấp, mỗi khi phân phối hàng hóa thì không khí ồn ã lắm. Nhiều khi nghe thấy những ý kiến tranh nhau "khốc liệt" quá mà thấy buồn. Tốt nhất là lảng tránh đi cho tâm nhẹ hơn. Cho đến năm 1996, Bộ xây dựng có hai suất đất ở phân cho lãnh đạo Tổng cục Địa chính chưa có nhà ở. Ban lãnh đạo Tổng cục phân một suất cho tôi, mặc dù chưa được phân nhà đất lầm nào nhưng tôi cũng không nhận. Vì suất đất này dành cho lãnh đạo chưa có nhà ở, nhưng tôi lại đã mua được nhà ở rồi bằng tiền dụm khi học tập ở nước ngoài mang về. Nhiều người cho rằng làm như vậy là "ấm đầu", cứ lấy đi cũng chẳng ai nói được gì. Tôi muốn nhẹ nhõm trong lòng nên không lấy, đến giờ tôi vẫn cho rằng không lấy là đúng.

Ở cương vị Thứ trưởng, Tết nhất mà nhận chai rượu, gói bánh của anh em mang tới chúc Tết thì cũng có vì đó là cái tình người của anh em. Còn ai đó đem đến bất kỳ cái gì gắn với công việc thì không bao giờ tôi nhận. Cũng đã có nhiều trường hợp người dân bị oan khuất về đất đai, muốn Bộ có công văn gửi địa phương đã để lại khá nhiều tiền nhưng tôi yêu cầu anh em đang thụ lý vụ việc phải trả ngay lại. Giá trị của mình không thể rẻ như thế, mình không thể mua được bằng tiền.

Nhiều người rất tâm đắc với câu nói của một doanh nhân Mỹ rằng "Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền". Tôi luôn muốn chứng minh rằng câu nói này không đúng, rằng it nhất, có một người không thể mua được bằng tiền cũng như không thể mua được bằng rất nhiều tiền.

Về đồng tiền, tôi đề ra nguyên tắc không nhận đồng tiền không do mình làm ra, không được đánh cắp sức lao động của người khác. Cái khó khăn nhất của con người là vượt qua sự cám dỗ của vật chất, đây là điều kiện duy nhất để mình được là mình.

- Tôi công bố thẳng thắn, lúc đương vị lương tháng được khoảng 5 triệu đồng, họp hành cũng được thêm khoảng 2 triệu nữa. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia đào tạo ở các trường đại học cũng được thêm khoảng 100 triệu mỗi năm. Khi về hưu, trong tay cóp nhặt được chưa đầy 1 tỷ, tôi dùng để mua cái xe ô-tô hiện tại đang đi.

Sau khi về hưu, thu nhập của tôi cao hơn rất nhiều. Mỗi năm tôi cũng có thu nhập khoảng 800 triệu sau thuế thu nhập cá nhân.

- Ông đánh giá số tiền ấy như thế nào?


- Cả cuộc đời làm việc mà để ra được 1 tỷ đồng cũng là hợp lý. Xe ô-tô tôi đang đi là xe Fortuner, 7 chỗ, loại ấy cũng bình thường. Xe chỉ là phương tiện để đi lại cho an toàn, không phải là đại gia mới có ô-tô. Có thể đại gia hiện nay người ta dùng những loại xe đắt tiền khác.

Nói thêm về đại gia, mỗi người lại có một quan niệm khác nhau. Thông thường, đa số cho rằng đại gia là người có rất nhiều tiền, có thể từ tham nhũng, buôn lậu, ăn cắp, và sử dụng phung phí kiểu "công tử Bạc Liêu", đi xe "độc", uống rượu "độc", đệ tử tứ phía, chân dài mười phương. Còn theo tôi, đại gia nên được hiểu là người làm được việc mà người khác không làm được.

- Khi làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan, ông từng kiếm nhiều tiền. Ông đã làm thế nào?

- Đúng là có kiếm được tiền và tạo ra hướng cho người Việt Nam ở đó kiếm tiền. So với tiềm lực kinh tế của dân ta lúc đó cũng có thể gọi là nhiều, nhưng bây giờ thì chẳng là gì cả. Điều quan trọng là tại đất nước này, tôi đã thay đổi quan niệm về đồng tiền. Những du học sinh Việt Nam khi đó thường kiếm tiền bằng cách mua đồ từ nước ngoài gửi về nước để bán kiếm lời. Vòng quay vốn rất chậm chạp và gian nan. Tôi coi thường việc này, cho rằng vớ vấn, phải đi kiếm tiền là "mạt" rồi.

Thế rồi gia đình cũng khó khăn mà tôi thì vẫn "cao đạo" không thể gửi gì về để trợ giúp, tiền học bổng cũng chỉ đủ ăn mà thiếu mặc. Bạn bè cũng xúm lại cho vay tiền để mua chút ít gửi về, tôi cũng làm theo. Vay rồi cũng chẳng biết lấy gì để trả. Lúc đó mới thấm thía rằng đồng tiền cũng là một phương tiện xuất sắc.

Tôi quyết định phải làm tiền và thay đổi phương thức làm tiền. Câu hỏi đặt ra là: nên buôn bán với trong nước, vòng quay vốn chậm và dòng vốn nhỏ; hay là nên buôn bán giữa các nước châu Âu, dựa vào vốn của thương nhân bản xứ và mạng lưới phân phối của người Việt Nam. Tôi chọn cách thứ hai vì vòng quay vốn ngắn hơn và dòng vốn lớn hơn.

Tôi đã thành công, người Việt Nam ở Ba Lan ngày càng khá hơn, đi đâu cũng ngẩng cao đầu. Đang lúc hệ thống "làm ăn" ổn định nhất thì tôi bảo vệ xong bằng tiến sĩ khoa học bậc 2, hết hạn ở đó và tôi quyết định về nước. Mặc dù thành công trong làm tiền nhưng tôi vẫn giữ nguyên tắc "hãy để tiền là một tên đầy tớ giỏi, không thể để tiền nhẩy lên làm một ông chủ tồi".

- Kiếm nhiều tiền, sao ông không ở lại Ba Lan? Nhất là khi đó đất nước ta còn khó khăn?

- Tôi có kiếm được chút tiền cũng chỉ coi như có thêm phương tiện tốt để làm việc. Sao lại cứ có tiền thì phải ở lại nước ngoài, vậy để nước mình cho ai. Tôi không phải dân kinh doanh chuyên nghiệp, thấy khó chịu thì tự tư duy mà làm, việc nghiên cứu khoa học mới là chính.

Thực ra, khi bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ bậc 2 tôi cũng đã có phân vân nên về hay nên ở lại, không phải vì lý do tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn mà vì đắn đo ở đâu có thể cống hiến cho khoa học nhiều hơn.

Tôi đã hỏi ông "sếp" của tôi, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan, rằng tôi nên về nước hay nên ở nước ngoài làm khoa học. Ông nói với tôi không nể nang: "Tôi không nghĩ ông lại hỏi tôi câu này, sao nhiều người Việt Nam muốn ở lại đây thế, vậy ai là người có trách nhiệm làm việc cho Việt Nam?

Tôi hơi ngượng và nói rằng coi như tôi không hỏi ông câu đó. Tôi ra ngay phòng vé máy bay đặt vé về nước sớm nhất.

- Ông nghĩ sao khi nhiều sinh viên Việt Nam du học và ở lại luôn? Có phải những hạn chế trong nghiên cứu khoa học Việt Nam đã khiến họ không muốn quay về?

- Sự thực, tôi không có ác cảm với những người bỏ lại tổ quốc mà ra đi sinh sống ở nước khác. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, nhưng quan trọng nhất là con người có quyền tự do cư trú.

Khoa học Việt Nam có nhược điểm nhiều hơn ưu điểm. Trước hết, bệnh hình thức quá nhiều, bằng cấp thì nhiều mà thực học thì ít. Sau đó, khoa học nước ta chỉ toàn lý luận, bằng phát minh, sáng kiến công nghệ chẳng có bao nhiêu. Một số máy móc cải tiến gần đây cũng toàn do nông dân nghĩ ra từ thực tế sản xuất. Cuối cùng, hạ tầng cho nghiên cứu khoa học của nước ta còn rất yếu kém, từ trang thiết bị tới thông tin khoa học - công nghệ đều vậy. Thử hỏi rằng nghiên cứu khoa học ở nước ta đã làm gì để cuộc sống này tốt hơn chưa? Ít lắm. Có lẽ người thành công nhất là Lioa, sản phẩm hoàn toàn nội địa đã chiếm lĩnh hết thị trường ổn áp trong nước.

- Ngoài công việc chuyên môn, ông giải trí thế nào?

- Tôi giải trí bằng văn học nghệ thuật, đọc sách văn học, nghe nhạc, xem tranh. Hứng lên nữa thì mình tự chơi nhạc, làm thơ, vẽ tranh.

- Ông đã bao giờ thấy tuyệt vọng?

- Tôi không có khái niệm tuyệt vọng, chịu khó tư duy là tìm ra giải pháp. Tôi luôn cười, vì nghĩ rằng không nên để nỗi buồn xâm chiếm tư duy. Cần biết cách chấp nhận và hài lòng với những gì mình có và những gì mình đã mất. Cái đã mất là cơ hội để bắt đầu phát triển cái tốt hơn. Đến khi lực bất tòng tâm thì cũng không nên để tâm tồn tại nữa!

Còn sống là còn làm việc. Khi làm được điều gì có ích cho ai đó thì có được một niềm vui.

(Nguồn: vnexpress)
khanhpt
khanhpt
Admin

Tổng số bài gửi : 435
Reputation : 0
Join date : 30/09/2009
Age : 39
Đến từ : Phú Thọ

https://lacaionline.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết